Dân số Việt Nam theo khu vực - Hex-map Tableau

Tableau Tips #01 – Cách tạo bản đồ Việt Nam với hex-map

Chia sẻ ngay tại đây!
  • 1
  •  
  •  
  •  
  •  
    1
    Share

Đối với một Data Analyst hay Business Intelligence (BI) developer, việc sử dụng bản đồ trong quá trình phân tích dữ liệu không còn là điều gì mới mẻ. Với sự hỗ trợ của các phần mềm BI như Tableau hoặc Power BI, báo cáo trên bản đồ trở nên dễ hơn bao giờ hết.

Việc sử dụng bản đồ giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện khi muốn so sánh một giá trị tại một khu vực hoặc lãnh thổ. Tuy nhiên, nó cũng có một hạn chế là bạn sẽ rất khó so sánh nếu có những khu vực với diện tích cực nhỏ. Để giải quyết vấn đề này chúng ta có thể sử dụng hex map (bản đồ sử dụng hình lục giác) trong Tableau. Hex-map sẽ giúp ích rất nhiều trong việc có cái nhìn tổng thể và cực kỳ hữu ích cho việc so sánh.

  • Vậy Hex map là gì?
  • Khi nào nên sử dụng bản đồ hexagon và bản đồ tự nhiên?
  • Cách tạo và sử dụng một bản đồ hexagon trên Tableau như thế nào?
Bản đồ Việt Nam mới
Nguồn ảnh

Lưu ý: bài viết yêu cầu phần mềm Tableau. Bạn nào chưa có thì có thể tải bản Tableau Pubic miễn phí tại đường link này.  Đối với các bạn còn là sinh viên, các bạn có thể sử dụng email + thẻ sinh viên của mình để xin bản full trong 1 năm tại đây. (1 student key có thể sử dụng cho 2 máy nhé)

Hex map là gì?

Hex map (bản đồ sử dụng hình lục giác) đơn giản là một kiểu bản đồ được xây dựng dựa trên bản đồ tự nhiên nhằm mục đích loại bỏ các hạn chế của sự khác biệt về diện tích. Nó được xây dựng bằng cách thay thế một khu vực (thành phố, tiểu bang) bằng một hình lục giác (hexagon) nhưng vẫn cố giữ lại một phần tính chất về vị trí địa lý.

Bản đồ dân số Việt Nam - So sánh before - after hexmap
So sánh sự khác nhau giữa bản đồ VN tự nhiên và hex-map

Như hình trên chúng ta sẽ thấy, mỗi một tỉnh/thành phố sẽ được thay thế bởi một hình lục giác nhưng về cơ bản chúng ta vẫn có hình dạng chung cộng với vị trí địa lý vẫn được giữ lại. Tuy không chính xác hoàn toàn nhưng vẫn đủ để hình dung.

Với hình trên, chúng ta có thể thấy được sự khác biệt khi muốn tìm kiếm các thành phố tại đồng bằng sông Hồng hoặc đồng bằng sông Cửu Long. Các tỉnh thành trong khu vực này có diện tích khá nhỏ và nằm sát nhau. Sử dụng hex-map trong trường hợp này sẽ giúp chúng ta tìm kiếm dễ dàng hơn nhiều.

Hex-map và bản đồ tự nhiên

One Size Does Not Fit All
“One Size Does Not Fit All”

Hex-map được thiết kế nhằm giải quyết một số vấn đề cụ thể không phải là một giải pháp toàn diện. Vậy nên tùy thuộc vào mỗi hoàn cảnh mà chúng ta lựa chọn cho phù hợp. Cùng xem bảng so sánh dưới đây.

Hex-map Bản đồ tự nhiên
Hiện đại, đơn giản và tính tương tác cao Truyền thống và chi tiết. Đôi lúc gặp khó khăn khi tương tác với bản đồ.
Mọi khu vực đều được xem trọng như nhau Kho khăn khi muốn xác định các khu vực có diện tích nhỏ
Yếu tố diện tích và vị trí địa lý không quá quan trọng Yếu tố địa lý đóng vai trò thiết yếu
Phù hợp báo cáo và so sánh tổng thể giữa các khu vực Phù hợp báo cáo chi tiết theo khu vực nhỏ
Không hỗ trợ phác họa chi tiết theo tọa độ hoặc định tuyến Phù hợp cho việc phác họa chi tiết theo tọa độ hoặc định tuyến
Khó khăn khi muốn báo cáo với các bậc thấp (drill down hoặc zoom) Có thể báo cáo trên tất cả các cấp bậc
Mới lạ, cần thuyết phục người dùng Phổ biến và ai cũng hiểu

Hướng dẫn tạo và sử dụng hex-map trên Tableau

Việc thực hiện visualise dữ liệu lên bản đồ hex-map khá đơn giản. Cái khó khăn duy nhất là việc thiết kế bảng dữ liệu gốc. Đây cũng là một kỹ năng khá quan trọng khi phân tích dữ liệu. Việc này cần một số mẹo để có thể thực hiện trên Tableau. Khi quen với mẹo này rồi các bạn có thể sử dụng với rất nhiều mục đích khác như chứ không chỉ đơn giản là tạo hex-map.

Trong các bài viết tiếp theo mình sẽ hướng dẫn các bạn cách tự tạo bản đồ như thế nào. Và những ứng khác tùy vào sự sáng tạo của bạn.

Trong phần này các bạn không cần phải chuẩn bị gì cả vì mình đã hoàn thành phần đó.

Bước 1: Tải file tọa độ Việt Nam

Các bạn tải file bản đồ Việt Nam đã được “mã hóa” tại link này trước.

Tiếp theo các bạn cứ nối file tải về vào Tableau một mọi file CSV khác. Bạn nào chưa biết cách nối thì xem tại link này nhé.

Sau khi kết nối với file tọa độ chúng ta sẽ có một kết quả như sau:

Giao diện Tableau

Các bước tiếp theo khá đơn giản.

Bước 2: Tạo bản đồ Việt Nam từ file tọa độ

Các bạn thực hiện kéo X vào ColumnsY vào Rows.

Sau đó kéo tên Tên tỉnh/thành phố vào phần Details. Chúng ta sẽ có kết quả sau

Hướng dẫn tạo hex map việt nam

Lúc này các bạn có thể thấy được hình dạng của bản đồ VN đã được hình thành nhưng lại bị ngược chiều. Chúng ta thực hiện bước đơn giản là Double-Click vào Sum(y)Rows và thêm dấu (-) phía trước.

Hướng dẫn tạo hex map việt nam

Lúc này chúng ta đã có được hình dáng cơ bản của bản Việt Nam. Tiếp theo chúng ta thay đổi hình dáng của các ô tròn thành hình dạng lục giác (hexagon) hoặc bất cứ hình nào các bạn thích. Chức năng Custom Shape của Tableau sẽ giúp chúng ta làm việc này.

Các bạn click vào Shape => chọn More Shape vào chọn hình mà các bạn muốn. Sau đó thay đổi kích thước của các hình này cho phù hợp với nhu cầu.

Bạn nào chưa biết tạo Custom Shape thì tải file icon hexagon tại link này sau đó giải nén vào thư mục sau My Documents => My Tableau Repository => Shapes và refresh Tableau lại sẽ thấy.

Thay đổi custom shape trong tableau

Tiếp theo các bạn chỉ cần thay đổi màu theo dân số và cho hiện mã của các tỉnh thành lên.

Các bạn chỉ cần kéo thả Mã chữ vào LabelDân số vào Color. Cơ bản chúng ta sẽ có kết quả sau.

Thay đổi format text trong tableau

Để các mã này nằm trong các hexagon, chúng ta chỉ cần chỉnh format của mã chữ như sau:

Thay đổi format text trong tableau

Bước 3: Tạo dual Axis để hiển thị thêm thông tin (tùy chọn)

Bước tiếp theo (cái này là tùy chọn, các bạn có thể làm hay không tùy) là nhóm các tỉnh/thành phố theo khu vực. Lúc này chúng ta cần sử dụng đến chức năng Dual Axis của Tableau.

Trước tiên chúng ta bấm CTRL + Kéo (Y) và thả ra ở rows để có được kết quả như sau

Tiếp đó chúng ta chỉ cần Right Click vào (Y) mới tạo và chọn Dual Axis. Lúc này chúng ta sẽ có được 2 tấm bản đồ gộp lại thành 1. Cuối cùng chúng ta Right Click vào các trục bên và chọn Synchronize Axis

Sử dụng Dual Axis trong tableau

Lúc này chúng ta đã gần như hoàn thành. Các bạn chỉ cần thay đổi màu sắc để làm nổi bật những gì mình muốn là được. Trong ví dụ dưới đây chúng ta sẽ làm nổi bật các khu vực khác nhau của Việt Nam.

Chúng ta đầu tiên chọn tùy chỉnh cho (Y) đầu tiên bằng cách ấn chọn vào ô thứ 2 ở thanh quản lý bên trái. Tiếp theo là kéo dân số ra ngoài khỏi vị trí color. Thay vào đó là Khu vực và thay đổi kích thước cho phù hợp

Thay đổi màu change color trong tableau

Bước 4: Tạo dashboard và tùy chỉnh báo cáo

Các bạn có thể thay đổi màu sắc tùy theo sở thích bằng cách chọn Color và edit. Bước cuối cùng là tạo một Dashboard để định dạng lại bản đồ cho phù hợp.

Tạo Dashboard đơn giản trong tableau

Bây giờ các bạn đã có một dashboard cơ bản. Các bạn hoàn toàn có thể kết hợp với các Dashboard actions để tăng tính tương tác cho dashboard. Một vài gợi ý như:

  • Có thể sử dụng Filter Actions để lọc kết quả dữ liệu chi tiết dựa theo tỉnh/thành mình click trên bản đồ
  • Với mỗi tỉnh thành như vậy, khi click vào, chúng ta có thể tạo một liên kết đến một website hoặc một báo cáo nào đó

Ứng dụng hex-map vào dữ liệu khác

Để sử dụng hex-map thì cái quan trọng nhất chính là tọa độ (X,Y) mà mình thiết kế trong file tọa độ. Các bạn có thể gắn các tọa độ này vào file dữ liệu mà bạn cần dựa theo tên tỉnh thành hoặc Mã Số (dựa trên số liệu từ tổng cục thống kê) Mã chữ là do tự mình nghĩ ra, các bạn có thể sử dụng hoặc không hoặc thay đổi thì tùy.

Dân số Việt Nam theo khu vực - Hex-map Tableau
Dân số Việt Nam theo tỉnh/thành và theo khu vực

Nếu các bạn gặp khó khăn gì thì có thể comment bên dưới mình sẽ cố gắng trả lời.

Nhớ đón xem tiếp phần tiếp theo để tìm hiểu nguyên lý xây dựng tọa độ và sử dụng tọa độ trong Tableau nhé. Bạn có thể làm được nhiều hơn là bạn tưởng.

Chúc các bạn may mắn. Nhớ chia sẻ nếu cảm thấy có ích cho người khác.

Bài viết được viết bởi Data-fun.com


Chia sẻ ngay tại đây!
  • 1
  •  
  •  
  •  
  •  
    1
    Share
  • 1
    Share

1 thought on “Tableau Tips #01 – Cách tạo bản đồ Việt Nam với hex-map”

  1. Pingback: Tableau Tips #02 - Cách tạo và sử dụng tọa độ cho phân tích dữ liệu

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *